Đăng ký

TALKSHOW “SỐNG BẰNG NGHỀ VIẾT”: GIAO LƯU CÙNG CỰU SINH VIÊN HUFLIT – NHÀ THƠ NGUYỄN PHONG VIỆT

Ngày 12/5/2022 vừa qua, dưới sự hướng dẫn của Bộ môn Việt Nam học – Khoa Ngôn ngữ và văn hóa Phương Đông HUFLIT, nhóm sinh viên của lớp Thực hành văn bản Tiếng Việt năm nhất và năm hai đã tổ chức thành công buổi giao lưu, trò chuyện cùng nhà thơ Nguyễn Phong Việt với chủ đề “Sống bằng nghề viết”.

Nhà thơ Phong Việt và Khoa Ngôn ngữ và văn hóa Phương Đông HUFLIT chụp hình lưu niệm
Nhà thơ Phong Việt và Khoa Ngôn ngữ và văn hóa Phương Đông HUFLIT chụp hình lưu niệm

Nhằm mang đến cho các bạn sinh viên những góc nhìn đa dạng hơn về cơ hội việc làm sau khi ra trường, giúp các bạn khám phá thêm nhiều khía cạnh của bản thân, cuộc trò chuyện cùng nhà thơ Nguyễn Phong Việt với chủ đề “Sống bằng nghề viết” đã thu hút sự tham gia của hơn 200 bạn sinh viên đam mê nghề viết, yêu thích văn thơ.

Một số tác phẩm của nhà thơ Phong Việt
Một số tác phẩm của nhà thơ Phong Việt

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt là cựu sinh viên HUFLIT Khoa Công nghệ thông tin (khóa 1998 – 2002). Anh là một minh chứng cho việc kiên trì ắt sẽ thành công. Xuất phát điểm của anh không liên quan đến văn chương, nhưng với sự kiên trì và nỗ lực của mình, anh trở thành một nhà thơ nổi tiếng với những tác phẩm ấn tượng về cuộc sống, những cuộc tình mang theo đó là cả một bầu trời tâm sự. Những tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Phong Việt đã để lại ấn tượng và in sâu trong lòng người đọc, có thể kể đến như: Đi qua thương nhớ, Từ yêu đến thương, Sinh ra để cô đơn, Sống một cuộc đời bình thường, Về đâu những vết thương, Sao phải đau đến như vậy, Chỉ cần tin mình là duy nhất, Mình sẽ đi cuối đất cùng trời…

Tại buổi talkshow kết nối thế hệ, Ban tổ chức rất vinh dự được tiếp đón sự có mặt của lãnh đạo và thầy cô khoa Ngôn ngữ và văn hóa Phương Đông.
Tại buổi talkshow kết nối thế hệ, Ban tổ chức rất vinh dự được tiếp đón sự có mặt của lãnh đạo và thầy cô
khoa Ngôn ngữ và văn hóa Phương Đông.

Phát biểu tại buổi giao lưu, TS. Hoàng Kim Oanh – Trưởng bộ môn chung – Ngoại ngữ 2 cho biết bản thân cô rất yêu thích những tác phẩm của nhà thơ Phong Việt. Thông qua ngòi bút của nhà thơ Phong Việt, cô có thể cảm nhận được những xúc cảm đậm chút tình, chút đời, đầy triết lý, tâm sự như “vắt ra” từ những trải nghiệm, vốn sống thực tế của anh.

TS. Hoàng Kim Oanh và nhà thơ Nguyễn Phong Việt tại talkshow
TS. Hoàng Kim Oanh và nhà thơ Nguyễn Phong Việt tại talkshow

Buổi trò chuyện thu hút được hơn 200 bạn sinh viên đam mê nghề viết, yêu thích văn thơ. Các bạn sinh viên đã đặt rất nhiều câu hỏi, những khó khăn, thắc mắc về nghề như làm thế nào tạo cảm hứng viết, cách triển khai ý, cách để không bị tụt cảm xúc khi viết.

Lời khuyên của anh Phong Việt dành cho các bạn sinh viên trước hết là phải chăm đọc sách. Đọc sách không chỉ tăng vốn sống, hiểu biết thêm sâu sắc, tinh tế mà quan trọng cũng mang đến nhiều cảm hứng cho bạn, làm giàu vốn từ, học được nhiều cách diễn đạt hay.

Ở đây không phải tất cả các bạn sinh viên sẽ học viết để trở thành một nhà báo, nhà thơ, người viết văn. Đơn giản bạn sẽ muốn học viết để thể hiện mình, viết để trình bày ý tưởng của mình một cách rõ ràng, thuyết phục. Vậy thì hãy đặt bút thử mỗi ngày tập viết… Nhận được lời khen cũng không vì thế vội chủ quan; khi bị chê cũng không lấy đó làm buồn phiền, nản lòng. Bạn có biết rằng đâu đó trong cuộc sống này vẫn có những người thành công, khiêm tốn đang “lặng lẽ mài gươm”, họ vẫn đang từng ngày lao động cật lực, nhưng khi được hỏi đến họ chỉ nói là họ may mắn thôi. Vậy thì chúng ta là những người bình thường phải cố gắng nhiều hơn mới mong gặt hái được thành công… Và nghề viết khi đã được sinh viên chọn làm mục tiêu theo đuổi rồi thì bắt buộc phải rèn luyện mỗi ngày và kiên trì luyện tập” – nhà thơ Phong Việt chia sẻ.

Kết thúc chương trình sinh viên giao lưu, chụp hình cùng diễn giả
Kết thúc chương trình sinh viên giao lưu, chụp hình cùng diễn giả

Trước đây, khi nói tới nghề viết, nhiều người thường nghĩ ngay đến nhà thơ, nhà văn, nhà báo… Thế nhưng thực tế, “nghề viết” còn được biết đến qua nhiều hình thức truyền tải khác nhau như làm sáng tạo nội dung, biên kịch, biên tập,… Chính nhờ sự ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực càng khẳng định sự quan trọng hơn bao giờ hết của kỹ năng “viết”. Đây cũng chính là thông điệp mà anh Phong Việt muốn truyền tải thông qua chương trình.

Hy vọng với những kiến thức bổ ích và lý thú được chia sẻ từ nhà thơ Phong Việt, talkshow “sống bằng nghề viết” có thể giúp sinh viên học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, vun đắp cho hành trang tri thức của các bạn trước khi rời ghế nhà trường.

Tác giả bài viết: SV. Dương Ngọc Uyên Nhi

Leave a Reply

Your email address will not be published.